“Đại bàng” đến tìm ổ
Mấy năm gần đây, khi trào lưu “bỏ phố về rừng” phát triển, giá đất ở Lâm Đồng bắt đầu tăng nhanh chóng khi đón lượng khách lớn là cư dân TPHCM săn lùng đất làm nhà vườn. Sở dĩ Lâm Đồng được nhiều người tìm đến là nhờ khí hậu mát mẻ quanh năm, cảnh sắc thiên nhiên tươi đẹp và là vùng đất nghỉ dưỡng được người Pháp lựa chọn cách đây cả trăm năm.
Trong đó, Đà Lạt - thành phố ngàn hoa và Bảo Lộc - thủ phủ của chè và tơ lụa là 2 địa điểm được giới đầu tư ưa thích. Bảo Lộc là thành phố mới với quỹ đất dồi dào, giá đất vẫn còn “khá mềm” và tiềm năng tăng giá cao khi đầu tư quy hoạch hạ tầng nên trở thành điểm đến hấp dẫn hơn với giới đầu tư hiện nay.
Bảo Lộc đang “lột xác” thu hút đầu tư
Từ năm 2019, không chỉ nhà đầu tư nhỏ lẻ hay dòng người “bỏ phố về rừng” mà Bảo Lộc còn chào đón nhiều “ông lớn” của thị trường bất động sản đến đây để tìm kiếm cơ hội làm ăn, phát triển các dự án thăm dò thị trường. Nhìn vào danh sách đầu tư ở địa phương này có thể thấy những cái tên lớn của ngành bất động sản như TTC, Hưng Thịnh, T&T Group, Him Lam, Ecopark, Văn Phú…
Công ty CP Đầu tư Văn Phú - Invest dù đến đây muộn nhưng là nhà đầu tư có tham vọng lớn khi “ngắm” đến hàng loạt dự án như Khu đô thị dịch vụ giải trí hồ Nam Phương 2; nghiên cứu phát triển Dự án Sân bay Lộc Phát; quy hoạch xây dựng Khu phố Shophouse đi bộ dịch vụ thương mại, chợ đêm tại khu chợ cũ Bảo Lộc…
Trước đó, Công ty CP Tập đoàn Him Lam hướng tới nhiều dự án như khu dân cư phường B’Lao, khu du lịch sinh thái thác Đá Bàn (sông Đại Bình), nghiên cứu Dự án khu đô thị du lịch “Thiên đường mắc ca” có tổng diện tích hơn 187 ha nằm khu vực phía Nam TP.Bảo Lộc thuộc các phường B’Lao, Lộc Sơn, Lộc Nga và xã Lộc Thành (huyện Bảo Lâm)…
Tập đoàn Ecopark cũng đang tìm hiểu đầu tư 2 dự án là Khu tổ hợp dịch vụ, du lịch sinh thái sân golf, cáp treo núi Sapung và Khu đô thị, dịch vụ giải trí - nghỉ dưỡng hồ Nam Phương 1 và hồ Nam Phương 2.
Chọn chỗ chờ thời cơ
Không phải ngẫu nhiên các nhà đầu tư lớn đổ xô về đây tìm cơ hội. Theo các nhà đầu tư, trong các tỉnh Tây nguyên thì Lâm Đồng không chỉ có ưu thế du lịch lớn đã phát triển lâu nay nhờ khí hậu mát mẻ quanh năm mà còn có tiềm năng kinh tế tổng hợp nhờ vị trí địa lý tiếp giáp và nhiều hướng thông thương với vùng kinh tế trọng điểm Đông Nam bộ.
Tuyến cao tốc Dầu Giây - Tân Phú được đầu tư đồng bộ
Với riêng TP.Bảo Lộc, đây là vùng đất mới đang phát triển nên có tiềm năng sinh lợi bất động sản rất lớn nên đầu tư từ bây giờ để chờ đón sóng thị trường là điều dễ hiểu. Đặc biệt khi đô thị này có định hướng phát triển ngắn hạn là trở thành đô thị loại 2 vào năm 2025 và dài hạn trở thành đô thị loại 1, là trung tâm của tỉnh Lâm Đồng.
Theo các nhà đầu tư, để đáp ứng quy mô phát triển thành đô thị loại 1, hàng trăm dự án đã được chính quyền TP.Bảo Lộc kêu gọi đầu tư và xu thế của Bảo Lộc sắp tới là sẽ mở rộng ra một số xã giáp ranh ở các huyện lân cận. Theo Quy hoạch xây dựng vùng tỉnh Lâm Đồng 2035 - 2050 được Chính phủ phê duyệt vào năm 2018, TP.Bảo Lộc và vùng phụ cận sẽ là trung tâm tiểu vùng phía Nam của tỉnh, phát triển tiệm cận tiêu chuẩn đô thị loại 1. Hiện quy hoạch chung TP.Bảo Lộc và vùng phụ cận đang được nghiên cứu và làm rõ hơn phạm vi, định hướng xây dựng và phát triển của trung tâm này.
Một nhà đầu tư chuyên phát triển các dự án nhà vườn tại Lâm Đồng cho biết: “Đất ở các xã ven thành phố thường rẻ hơn vùng trung tâm và sẽ tăng giá nhanh nhờ ăn theo tiến độ phát triển hạ tầng của thành phố nên được nhiều người săn tìm. Nhất là khi nó sáp nhập vào thành phố thì lợi nhuận còn cao hơn rất nhiều. Chẳng hạn như vừa có thông tin xã Lộc Tân, huyện Bảo Lâm sẽ sáp nhập vào Bảo Lộc là đất đai ở vùng này sốt ngay”.
“Nói thế để thấy là chỉ cần nghiên cứu kỹ định hướng phát triển và đón đầu các dự án dân cư - hạ tầng là nhà đầu tư có thể tìm thấy vô vàn cơ hội ở thành phố mới đang phát triển rất sôi động này. Do đó, nhà đầu tư ở TP.HCM và cả Hà Nội đổ về đây để chờ cơ hội cũng không có gì lạ!”, vị này đánh giá.
Theo Báo Thanh Niên