UBND tỉnh đã tổ chức Hội nghị báo cáo Khung chiến lược quy hoạch tỉnh Lâm Đồng giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn 2050. Quy hoạch được lập theo phương pháp tích hợp, tiếp cận hệ thống, tổng hợp, đa ngành và đa cấp.
Dự hội nghị có ông Trần Văn Hiệp, phó Bí thư Tỉnh uỷ, Chủ tịch UBND tỉnh; ông Phạm S, phó Chủ tịch UBND tỉnh, lãnh đạo các Ban HĐND tỉnh, các sở, ngành và các địa phương.
Tại hội nghị, đơn vị tư vấn là Liên doanh tư vấn GITAD đã giới thiệu Khung chiến lược quy hoạch tỉnh Lâm Đồng giai đoạn 2021- 2030 và tầm nhìn 2050. Theo đó, khung quy hoạch này được xây dựng dựa trên việc triển khai Quyết định của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt nhiệm vụ lập quy hoạch tỉnh Lâm Đồng thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050.
Quy hoạch tỉnh Lâm Đồng được lập theo phương pháp tích hợp, tiếp cận hệ thống, tổng hợp, đa ngành và đa cấp, “từ dưới lên trên”, là cơ sở khoa học và thực tiễn lập các quy hoạch cấp trên; lập và điều chỉnh các quy hoạch cấp dưới; xây dựng cơ chế, chính sách, kế hoạch, chương trình đầu tư phát triển tỉnh và triển khai các dự án cấp tỉnh trên địa bàn.
Mục tiêu quy hoạch là phải phù hợp với quan điểm, mục tiêu, định hướng của Chiến lược phát triển kinh tế- xã hội 10 năm 2021-2030. Phát triển kinh tế - xã hội toàn diện và bền vững. Xây dựng Lâm Đồng trở thành một khu vực kinh tế động lực của vùng Tây Nguyên. Đảm bảo tính tổng thể, đồng bộ sự phát triển giữa các ngành, kết nối hạ tầng giao thông, quản lý tài nguyên nước, bảo vệ môi trường, thị trường hàng hóa và khoa học công nghệ. Nâng cao hiệu quả quản lý, khai thác, sử dụng và phát triển các nguồn lực kinh tế, đẩy mạnh đổi mới sáng tạo. Đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng đồng bộ và hiện đại hướng đến phát triển hệ thống đô thị thông minh, xanh, nông thôn mới kiểu mẫu, nâng cao. Kết hợp chặt chẽ giữa phát triển kinh tế với đảm bảo quốc phòng, an ninh; khai thác và sử dụng hiệu quả các nguồn tài nguyên thiên nhiên gắn với bảo vệ môi trường và bảo đảm nguyên tắc cơ bản trong hoạt động quy hoạch quy định tại Điều 4 Luật Quy hoạch. Việc quy hoạch cũng là công cụ pháp lý quan trọng trong hoạch định, kiến tạo động lực, không gian phát triển đảm bảo tính đồng bộ giữa các quy hoạch vùng, quy hoạch tỉnh, làm cơ sở để lập, điều chỉnh các quy hoạch cấp dưới…
Về định hướng phát triển đô thị, dự báo đến năm 2025 toàn tỉnh có 19 đô thị; trong đó, 1 đô thị loại I, 1 đô thị loại II, 6 đô thị loại IV và 11 đô thị loại V. Đến năm 2035, toàn tỉnh có 19 đô thị; trong đó, 1 đô thị loại I, 1 đô thị loại II, 2 đô thị loại III, 6 đô thị loại IV, 9 đô thị loại V; phát triển 2 thị tứ đạt tiêu chuẩn đô thị loại V. Báo cáo cũng xác định chức năng của từng độ thị. Trong đó, TP Đà Lạt là đô thị loại I, đáp ứng các tiêu chí của thành phố trực thuộc trung ương, cực tăng trưởng quan trọng của vùng kinh tế Nam Tây nguyên. TP Bảo Lộc là đô thị hạt nhân phía Nam tỉnh Lâm Đồng; là trung tâm dịch vụ – thương mại hỗn hợp, văn hóa thể thao cấp quốc gia, nông nghiệp chuyên canh theo hướng công nghệ cao, dịch vụ du lịch cấp vùng và quốc gia, trung tâm y tế và giáo dục – đào tạo cấp vùng và nghỉ dưỡng, chăm sóc sức khỏe cấp vùng và quốc gia. Đô thị Di Linh là trung tâm hành chính, chính trị của huyện Di Linh, trung tâm thương mại dịch vụ cấp vùng, trung chuyển hàng hóa trong tỉnh và vùng Tây Nguyên, vùng duyên hải Nam Trung Bộ. Các đô thị theo chức năng tổng hợp gồm: Đô thị Đức Trọng, Lạc Dương, Thạnh Mỹ, Đinh Văn, Lộc Thắng, Mađaguôi, Đạ Tẻh, Cát Tiên, Bằng Lăng. Trong đó, đô thị Đức Trọng là cửa ngõ giao thương quốc tế của vùng và quốc gia; trung tâm nghiên cứu và sản xuất nông nghiệp công nghệ cao tầm quốc gia và quốc tế; trung tâm công nghiệp dược, mỹ phẩm cấp vùng. Các đô thị chuyên ngành, đô thị mới cấp huyện như: Nam Ban, Đ’ran, Đạ M’ri, Hòa Ninh, Phước Cát, Đạ Rsal v.v…
Để thực hiện mục tiêu trên, UBND tỉnh Lâm Đồng sẽ ưu tiên phát triển các chương trình, dự án trọng điểm cấp quốc gia và vùng, làm động lực chính phát triển lan tỏa trong toàn tỉnh. Tập trung ưu tiên đầu tư các dự án có vai trò tạo động lực phát triển kinh tế – xã hội cho toàn tỉnh theo từng lĩnh vực. Trong đó , uu tiên phát triển hạ tầng kỹ thuật khung kết nối với quốc tế, quốc gia và vùng như các dự án đầu tư xây dựng tuyến cao tốc Dầu Giây – Liên Khương; nâng cấp Quốc lộ 28, Quốc lộ 55. Nâng cấp đường tỉnh 725 và mở mới vài đoạn để thành đường Trường Sơn Đông; xây dựng đường vành đai ngoài TP Đà Lạt, đường tránh phía Nam và phía Tây TP Bảo Lộc; xây dựng tuyến đường sắt Đà Lạt – Tháp Chàm; nâng cấp, mở rộng Cảng hàng không Liên Khương; xây dựng hoàn thiện hệ thống thoát nước, nhà máy xử lý nước thải sinh hoạt cho TP Đà Lạt; TP Bảo Lộc v.v…
Ngoài ra tập trung các nguồn lực để thực hiện các dự án phát triển đô thị; nâng cấp, mở rộng thành lập mới đô thị; điều chỉnh quy hoạch chung TP Đà Lạt và vùng phụ cận; lập mới và điều chỉnh quy hoạch đô thị ở các cấp độ khác nhau; cải tạo nâng cấp, xây dựng mới cơ sở hạ tầng xã hội và kỹ thuật, cải tạo môi trường ở của các đô thị hiện có. Ưu tiên đầu tư các dự án trọng điểm trung tâm y tế, giáo dục đào tạo, văn hóa – thể dục thể thao, thương mại dịch vụ, nghiên cứu cấp vùng tại Đà Lạt, Bảo Lộc, Đức Trọng, Lạc Dương, Đơn Dương. Về thương mại dịch vụ, khoa học công nghệ, du lịch, ưu tiên đầu tư các dự án lớn tại Đà Lạt, Bảo Lộc, Đức Trọng, Lạc Dương, Đơn Dương, Cát Tiên, gắn với các đầu mối giao thông quan trọng. Về phát triển khu công nghiệp, kinh tế nông nghiệp, nông thôn, ưu tiên đầu tư Khu công nghiệp Phú Bình, Khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao Lâm Đồng, Khu nông nghiệp công nghệ cao Tân Phú, Phú Hội; vùng sản xuất trồng trọt và chăn nuôi ứng dụng công nghệ cao. Phát triển các vùng chuyên canh quy mô lớn trồng rau, hoa, chè, cà phê, dâu tằm…
Tại hội nghị, lãnh đạo các sở, ngành và các địa phương liên quan đã tham gia nhiều ý kiến đối với ý tưởng khung quy hoạch tỉnh Lâm Đồng giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 bao gồm các ý kiến đề xuất, bổ sung một số yếu tố quy hoạch cho phù hợp với điều kiện địa lý, đặc thù kinh tế xã hội của từng để phương để phát huy tối đa các thế mạnh của địa phương đó với tầm nhìn xa hơn và có sự kết nối với đô thị Đà Lạt mạnh mẽ hơn. Sau khi nghe các ý kiến đóng góp, Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng Trần Văn Hiệp đề nghị đơn vị tư vấn tiếp thu ý kiến góp ý của các ngành, nghiên cứu chuyên sâu thêm về đặc trưng, đặc thù, tiềm năng thế mạnh riêng có của tỉnh để bổ sung, hoàn thiện ý tưởng khung quy hoạch tỉnh giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050. Đồng thời, giao các sở, ngành và các địa phương chủ trì, tham mưu UBND tỉnh trình Ban Cán sự Đảng UBND tỉnh trình Ban Thường vụ Tỉnh ủy cho ý kiến đối với ý tưởng khung quy hoạch tỉnh theo quy định./.
Theo http://lamdongtv.vn/